Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Đệm Lót Lên Men - Lời Giải Ô Nhiễm Trong Chăn Nuôi



Từ 2 mô hình trình diễn do trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội giúp triển khai từ tháng 06/2009 tại các huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (Nam Định), đến nay phương pháp chăn nuôi sử dụng đệm lót len men bước đầu đã được một số hộ gia đình ở tỉnh Nam Định áp dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là các chuồng trại chăn nuôi tập trung. 

Ngoài tỉnh Nam Định, mô hình này còn được triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hưng Yên với tổng kinh phí 100 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ. Các hộ dân tham gia triển khai mô hình thí điểm được hỗ trợ kỹ thuật và chi phí xây dựng đệm bằng mùn cưa hoặc trấu được ủ lên men bằng chế phẩm sinh học, cũng như được tham gia các khoá tập huấn do các chuyên gia chăn nuôi tổ chức. 

Theo cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Hải Nguyên, nơi đang hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng mô hình chăn nuôi trên đệm sinh thái và trực tiếp phân phối loại chế phẩm sinh học trên, tại Nam Định hiện có khoảng 50 trang trại áp dụng chăn nuôi sử dụng đệm lót lên men với quy mô 1.000-7.000 con lợn, tập trung chủ yếu tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh và Nam Trực. 

Từ năm 2009 đến nay, Công ty Cổ phần Hải Nguyên cũng đã phối hợp với một số giảng viên của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức trên 10 khoá tập huấn, hội thảo giới thiệu công nghệ đệm lót lên men trong chăn nuôi cho khoảng 500 hộ nông dân tại tỉnh Nam Định và Hà Nam. 

Được biết, chi phí làm đệm lót cho 1 ô chuồng 10 m2 vào khoảng 600-700 nghìn đồng. Nguyên liệu để làm đệm lót len men là các nguồn chất xơ, mùn cưa, bột ngô, bã sắn… Mỗi nền chuồng trộn men vi sinh có thể sử dụng được 4 năm. Thực tế cho thấy đệm lót sinh thái có nhiều ưu điểm như giảm các loại bệnh tiêu hoá và hô hấp cho vật nuôi; tiết kiệm chi phí chăn nuôi; giữ ẩm tốt cho gia súc vào mùa rét. Đặc biệt, loại đệm này giúp giảm tối đa ô nhiễm, mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi vốn gây nên tình trạng bức xúc ở nhiều khu dân cư hiện nay. 

Theo một nghiên cứu của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, phương pháp này tiết kiệm 10% chi phí thức ăn, tăng 5% trọng lượng lợn so với chăn nuôi thông thường, đồng thời tiết kiệm được 80% nước do hoàn toàn không phải tắm, rửa chuồng mà chỉ cho lợn uống nước bằng vòi nước tự động. Chăn nuôi bằng đệm lót sinh thái còn giúp tiết kiệm 60% chi phí lao động do giảm được công tắm rửa, nền và dọn chuồng. Với phương pháp này một lao động có thể nuôi được 800 con lợn. Đặc biệt, đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi tạo ra được “bức tường lửa” rất hiệu quả trong việc phòng chống các bệnh dịch có hại như lở mồm long móng, tai xanh, cúm… 

Những kết quả trên cho thấy đệm lót sinh thái là một giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết vấn nạn chất thải chăn nuôi đang không ngừng gia tăng ở nước ta. Tuy nhiên, để triển khai rộng mô hình này trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thêm về kinh phí và kỹ thuật cho người chăn nuôi. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More